Hoạt động góc trong trường mầm non là phương tiện phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ, thể chất. Trẻ em đến trường không chỉ cần được nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe được học tập mà quan trọng nhất là đc vui chơi… không những thế thông qua các hoạt động góc hằng ngày giúp trẻ chia sẻ niềm vui của mình với bạn bè, cộng đồng làm cho thế giới xung quanh của các bé trở nên tươi đẹp hơn và rộng lớn hơn.
Hiểu được tầm quan trọng của hoạt động góc đối với trẻ, ngay từ đầu năm học nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên đã phối hợp xây dựng kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ gắn với những hoạt động thực tế, thiết kế môi trường hoạt động góc có tính thẩm mỹ, khoa học, có nhiều góc mở và thực sự sáng tạo, giúp trẻ có thể hoạt động một cách tích cực, vui vẻ và thoải mái nhất. Trẻ chơi chủ yếu là do nhu cầu và khả năng của trẻ, nhu cầu muốn bắt chước, muốn làm người lớn và ở trường mầm non, hoạt động góc chính là phương tiện giúp trẻ tham gia vào “xã hội người lớn” một cách hiệu quả nhất.
Để chuẩn bị cho buổi chơi hoạt động góc của trẻ, ngay từ ngày hôm trước giáo viên đã sử dụng nhiều nguyên vật liệu tự nhiên, đồ vật thật thiết kế môi trường mở để trẻ được thỏa sức sáng tạo, phát triển trí tưởng tượng. Cũng từ đó trẻ được trải nghiệm bằng chính những sản phẩm do tự tay trẻ tạo ra. Qua các góc chơi như góc xây dựng, góc phân vai, góc học tập, góc nghệ thuật,…trẻ được đóng vai là những cô giáo, bác sỹ, chú công nhân, cô bán hàng, bác đầu bếp,… được thực hiện những công việc hàng ngày của người lớn như nấu ăn, khám bệnh, làm bánh, nhặt rau,…với những đồ vật thật, gần gũi, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của trẻ. Từ đó tái tạo lại cuộc sống của người lớn một cách tổng quát trong cảnh tưởng tượng, được tham gia vào xã hội người lớn theo cách riêng của mình.