THÍ ĐIỂM PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON TẠI 15 TỈNH, THÀNH: TRẺ MẪU GIÁO SẼ ĐƯỢC HỖ TRỢ TIỀN ĂN TRƯA VÀ CHI PHÍ HỌC TẬP
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố, gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu. Trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục mầm non từ 3 đến 4 tuổi, 4 đến 5 tuổi.
Trong đó, đáng chú ý là đề xuất trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập học tập tại các cơ sở phổ cập giáo dục mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa tối thiểu là 360.000 đồng/tháng/cháu; được hỗ trợ chi phí học tập là 160.000 đồng/tháng/cháu. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Đồng thời, đề xuất giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện phổ cập giáo dục mầm non được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng, hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.
Mục tiêu của chính sách là các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm bảo đảm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non đạt 97% vào năm 2030; phấn đấu có 100% trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non.
Quan tâm, thu hút, khuyến khích các trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển sẽ là các đối tượng được ưu tiên huy động vì hiện nay các vùng khó khăn này tỷ lệ huy động trẻ chưa cao, sau khi thực hiện phổ cập sẽ dần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục mầm non giữa các vùng/miền trên toàn quốc./.
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân